Thi tốt nghiệp THPT: Vì sao học sinh "quay lưng" với môn sử?
Nữ sinh "bất ngờ" với giải Nhất môn sử quốc giaThi tốt nghiệp 2 môn tự chọn: Thí sinh sẽ bỏ rơi môn Sử?Trường của PGS Văn Như Cương 100% HS không thi tốt nghiệp môn Sử
0% là tỉ lệ học sinh lựa chọn môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa được Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) công bố.
Con số 0 tròn trĩnh khiến dư luận xã hội quan tâm đến việc giáo dục lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ cảm thấy buồn và thất vọng. Tại sao học sinh lại "lạnh nhạt" với môn sử, trong khi đây là một trong những môn khoa học xã hội căn bản của chương trình giáo dục phổ thông?
"Tôi không bất ngờ!"
Đó là khẳng định của PGS-TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - liên quan đến công bố mới đây về tỉ lệ học sinh chọn môn lịch sử tại trường ông là 0%. Đây là trường đầu tiên của Hà Nội công bố tỉ lệ học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp, không lâu sau khi Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn.
Kết quả được trường này công bố: Vật lý 75,6%, tiếng Anh 56,3%, hóa học 50,8%, địa lý có 11,4% và sinh học là 5,3%. Lịch sử không nằm trong danh sách tự chọn. "Tôi không bất ngờ, vì lâu nay trường tôi tuyển đầu vào chủ yếu theo phân ban các khối A, D và B, học sinh học các môn xã hội để thi đại học rất ít tại đây.
Môn lịch sử là môn tự luận, việc học thi môn này so với các môn trắc nghiệm khác rõ ràng mất nhiều thời gian ôn thi hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến học sinh không mặn mà với việc lựa chọn thi môn học này"- nhà giáo Văn Như Cương cho hay.
Đến thời điểm này, chưa nhiều trường THPT công bố tỉ lệ thi các môn tự chọn, việc lựa chọn môn thi vẫn đang trong quá trình. Theo đánh giá của PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT, tỉ lệ thi tốt nghiệp môn lịch sử sẽ có nhiều khả năng thấp nhất trong số các môn thi.
"Xu hướng của thi đại học là ngày càng tăng tỉ lệ thi môn khoa học tự nhiên và giảm các môn khoa học xã hội. Học sinh thi ĐH, CĐ khối C trong những năm gần đây giảm rất nhiều, thay vào đó là các khối tự nhiên như A, B, D... Đây không chỉ là xu hướng của học sinh VN, tôi đã đi thực tế tại nhiều quốc gia phát triển và thấy rằng đây cũng là xu hướng chung của học sinh thế giới" - ông Đỗ Ngọc Thống nói.
Cách dạy sử theo kiểu thầy đọc, trò chép khiến sử trở thành môn học thuộc lòng, không hấp dẫn người học. Ảnh: Giang Huy
Ông Thống cũng không tỏ vẻ bi quan trước kết quả dường như đã được báo trước này, bởi theo ông, tỉ lệ cao-thấp khác nhau tại các trường học cũng là lẽ thường tình, điều này tùy thuộc vào xu hướng chọn môn thi ĐH của học sinh.
Ông cho biết thêm: "Có thể cá nhân từng trường có tỉ lệ thi lịch sử cao-thấp khác nhau, trường Lương Thế Vinh tỉ lệ thi môn học này thấp, nhưng tôi chắc chắn sẽ có không ít trường có tỉ lệ thi cao hơn. Xét bình diện chung cả nước, sẽ vẫn có một tỉ lệ nhất định với môn lịch sử.
Điều này khác hoàn toàn với cách thi trước đây, nếu năm nào quyết định bỏ thi môn học bất kỳ và luân phiên thay đổi, chắc chắn tỉ lệ thi môn học đó sẽ là 0% trên cả nước, như thế sẽ càng nguy hiểm hơn!".
0% của trường Lương Thế Vinh là "bằng chứng"
Thực tế mà nói, tỉ lệ "chết" 0% của trường Lương Thế Vinh chỉ là cái cớ và cũng là "bằng chứng" để chứng minh môn lịch sử lâu nay vẫn là môn học kém hấp dẫn nhất trong chương trình giảng dạy phổ thông. Vì sao thế? Nhà giáo Văn Như Cương không ngần ngại khi khẳng định, đây là tình trạng đáng báo động về chất lượng sách giáo khoa, về chất lượng giảng dạy môn lịch sử.
Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đừng vội "quy kết" rằng học sinh không quan tâm đến lịch sử nước nhà, không xem việc học môn lịch sử là trách nhiệm đối với môn học có tính căn bản.
Ông chia sẻ: "Nhiều học sinh không lựa chọn thi môn lịch sử không hẳn vì ghét, các em có tính toán nhất định và điều đó là hoàn toàn bình thường. Các môn tự nhiên dễ kiểm soát, tính định lượng cao, trong khi với các môn xã hội, kết quả thi dễ phụ thuộc vào chủ quan, hay đúng hơn là "gu" của người chấm. Nếu thi lịch sử theo kiểu trắc nghiệm, có lẽ tỉ lệ thi không đến nỗi "bi đát" như thế".
Tuy nhiên, ông Thuyết cho rằng quả tình nhiều học sinh cũng không hứng thú với môn lịch sử vì nội dung học thể hiện trong sách giáo khoa (SGK) quá khô khan và phương thức dạy học chưa sống động.
"Hạn chế lớn nhất chính là nhiều nội dung thể hiện trong SGK hiện nay vừa nặng nề, thiếu khách quan, lại không toàn diện bởi thiên về lịch sử chiến tranh quá nhiều mà bỏ quên các lĩnh vực khác như lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội... Chưa kể SGK lịch sử hiện nay còn bỏ qua một số sự kiện lịch sử quan trọng.
Điều đó khiến học sinh không hoàn toàn tin tưởng vào SKG môn học này. Tuy nhiên, lỗi không phải chỉ của người soạn SGK. SGK phải viết theo thông sử" - ông Nguyễn Minh Thuyết cho hay.
Để thay đổi tình thế - theo ông Nguyễn Minh Thuyết, trong chương trình đổi mới SKG sau 2015, SGK môn lịch sử cần điều chỉnh theo hướng giảm tải lượng kiến thức, cách viết hấp dẫn, sinh động hơn phù hợp với trình độ các cấp. Ngoài ra, cách giảng dạy môn học cần thay đổi theo hướng tăng cường thảo luận, tương tác với học sinh, tăng thời gian thực hành.
Và, để bản thân học sinh yêu thích tìm hiểu lịch sử nước nhà, nhất thiết cần sự hỗ trợ của các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, hội họa...; nhưng trước hết là cần sự đổi mới của các nhà nghiên cứu lịch sử.
Nguồn : tinmoi.vn
TRƯỜNG THPT NAM TRÀ MY – HUYỆN NAM TRÀ MY - TRỰC THUỘC SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
Xã Trà Mai – Huyện Nam Trà My – Tỉnh Quảng Nam. Tel: 0510 3880 300
Bản quyền thuộc về trường THPT Nam Trà My - Huyện Nam Trà My